Đôi lời mạo muội cùng quý thi huynh, thi tỷ, thi hữu và quý vị độc giả…
Sáng tác xong một bài thơ Thất ngôn bát cú, hẳn ta phải đọc đi đọc lại, ngâm tới ngâm lui. Luật bằng trắc đã ổn rồi nhé, đối cũng chan chat, chữ nào chữ nấy đều đã chắt lọc và từ nào cũng đều rất ưng ý. Nhưng đọc nghe sao nó vẫn trúc trắc thế nào ấy! Nghe vẫn chưa ổn, vẫn ngượng mồm quá đỗi , ngang ngang thật là khó chịu. Hẳn các bạn ít nhất cũng từng bị đôi lần như thế? Vấn đề này xảy ra phần lớn là do hai “cái ông nội” Hạc Tất và Phong Yêu ngấm ngầm ngáng lưỡi chúng ta. Lần theo định nghĩa:
_Phong Yêu(eo ong): là lỗi xảy ra khi chữ thứ 2 và chữ cuối của một câu mang cùng dấu.
_Hạc Tất(Gối hạc): Là lỗi xảy ra khi chữ thứ 4 và chữ cuối của một câu mang cùng dấu.
Vậy mời các bạn cùng gã Cao Bồi Già lẩm cẩm này cùng xét một số thí dụ, khi các chữ 2, 4, và 7 của một câu mang các dấu thanh trắc:
_Lỗi Phong Yêu:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”(Đèo Ngang-BHTQ)
“Lấy của đánh người quân tệ nhỉ” (Hỏi Thăm Quan Tuần Gặp Cướp- Nguyễn Khuyến)
“Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa” (Hỏi Thăm Quan Tuần Gặp Cướp – Nguyễn Khuyến)
_Hạc Tất:
“Ra đường kẻ cả dừng chân hỏi” (Than Nợ - Nguyễn Khuyến
“Gạo dăm ba bát cơ còn kém” (Nước Lụt Hà Nam – Nguyễn Khuyến)
“Muốn êm phải kiện ba trăm lạng” (Kiều Bán Mình – Nguyễn Khuyến)
Ta thấy khi ngâm đọc rất êm tai , chẳng có tội gì cả. Vậy có thể kết luận rằng : Khi các chữ thứ 2, 4 và 7 của cùng một câu mà mang cùng dấu thanh trắc thì lỗi hạc tất , phong yêu hầu như biến mất. Từ đó ta lại có thể đưa ra kết luận rằng: LỖI HẠC TẤT HAY PHONG YÊU, Ở CÁC CÂU THỨ 3,5 VÀ 7 CỦA MỘT BÀI THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ KHÔNG GÂY MỘT ẢNH HƯỞNG TỒI TỆ NÀO CẢ KHI TA NGÂM ĐỌC.
Còn trường hợp các chữ thứ 2,4 và 7 của cùng một câu mà mang dấu thanh bằng, tức là dấu huyền và không dấu thì sao?
_Phong Yêu :
“Cỏ cây chen lá đá chen hoa” (Qua Đèo Ngang- BHTQ)
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” (Thu Điếu- Nguyễn Khuyến)
“Năm gian nhà cỏ thấp le te” (Thu Ẩm- Nguyễn Khuyến)
Chúng ta thấy đọc cũng rất êm, gần như không có vấn đề gì cả.Nhưng với dấu huyền hãy xem thử:
“Ta ngồi ghềnh đá gặm u buồn” ( (vô danh)
“Mây trời u ám đổ mưa nhòa” )vô danh)
“Cắc tòm khuấy động kẻ vung dùi” )vô danh)
“Nắng tà vương vấn nỗi tâm tình
“
Nghe riêng rẽ từng câu đã có vấn đề, không được êm rồi! Nếu đọc cả mạch bài càng thấy ngang hơn nữa.
_Hạc tất:
Cả hai chữ thứ 4 và 7 không dấu:
“Giữ nếp gia phong tránh mộng mơ”
“Tinh tú lung linh chiếu ánh mơ”
“Bước dạt phiêu diêu đến lặng thinh”
Đọc riêng một câu thôi ngheh đã thấy …không ổn rồi, nếu đọc luôn trong mạch bài thơ thì càng không ổn nữa. Bây giờ xét đến dấu huyền:
Chiều rải quanh nhà...thấm lạnh mình
“Phố lạc đêm chờ muộn nhật trình”
“Vất vưởng bao thời mộng rũ màng”
Quả thật ảnh hưởng của những trường hợp lỗi hạc tất này , khi ngâm đọc là quá nặng nề. Nó đã phá hỏng luôn cả âm hưởng của một bài thơ Thất ngôn bát cú!!!Đến đây chúng ta có thể kết luận rằng:
1/ Lỗi phong yêu và hạc tất ở các câu thứ 3,5 và 7 không gây ảnh hưởng gì tồi tệ khi ngâm đọc. Nên ta không cần phải bận tâm. Nhưng hai lỗi này ở các câu thứ 1,2,4,6,8 (tức là các câu có gieo vận) thì phải xem xét kỹ để tránh.
2/Lỗi Phong yêu với 2 chữ thứ 2 và 7 của cùng một câu mà không dấu thì là lỗi rất nhẹ. Có thể bỏ qua mà không bận tâm
3/ Lỗi phong yêu mà cả hai chữ thứ 2 và 7 của cùng một câu mà mang dấu huyền thì nặng hơn, cần phải tránh.
4/ Lỗi hạc tất mà hai chữ thứ 4 và 7 cùng không mang dấu, cũng là lỗi tương đối nặng. Nhưng có cách hóa giải hiệu quả (Xin xem phần 7/)
5/ Lỗi hạc tất mà cả hai chữ thứ 4 và 7 cùng mang dấu huyền là lỗi rất nặng. Nhất thiết phải tránh không thì khi ngâm đọc hỏng cả bài thơ.
6/ Lỗi hạc tất luôn có ảnh hưởng nặng nề hơn lỗi phong yêu. Vì hai chữ thứ 4 và 7 gần nhau hơn , nên khi đọc dễ bị gấp khúc như “cái đầu gối” (Có lẽ thế nên các cụ mới gọi là gối hạc chăng?)
7/ Cách hóa giải hạc tất , phong yêu mà hai chữ đều không mang dấu: Bắt chước theo các Đại thi hào như Nguyễn Khuyến , Bà Huyện Thanh Quan…, ta có thể hóa giải trường hợp này bằng cách cho chữ đứng trước, tức là chữ thứ 1 hay chữ thứ 3 mang dấu huyền. Thí dụ:
“Một mảnh tình riêng ta với ta” (Qua đèo Ngang – BHTQ)
Với dấu huyền của chữ “tình” lỗi hạc tất của câu này tự dưng biến mất khi ta ngâm đọc.
“Sư cụ nằm chung với khói mây” ( (Nhớ Cảnh Chùa Đọi –Nguyễn Khuyến)
Với dấu huyền của chữ “nằm”, lỗi hạc tất cũng được cụ Nguyễn Khuyến hóa giải ngon ơ.
Tóm lại, với trình độ biết đọc biết viết, và tí kiến thức hạn hẹp mà gã Cao Bồi Già nàylượm lặt được. Xin mạo muội lạm bàn về hai “cái ông nội” chuyên “nằm vùng” trong họng của chúng ta khi ngâm đọc Đường thi Xin các thi hữu, các bậc cao minh hơn cho nhận xét và chỉ giáo bổ sung thêm cho hoặc có gì sai sót, cũng xin chỉ ra cho kẻ võ vẽ làm thơ này được dịp học hỏi. Rất mong nhận được ý kiến của mọi người. Xin đa tạ…
CAO BỒI GIÀ